Khách quốc tế tăng mạnh

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436,5 nghìn tỷ đồng. Hàn Quốc và Trung Quốc là hai thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 và 1,8 triệu lượt.

Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Như Ý

Dù mùa hè được cho là mùa thấp điểm đón khách ngoại, nhưng lượng khách quốc tế trong tháng 6 đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. “Nhìn chung, nước ta đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa và mùa thấp điểm du lịch quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế trong tháng 6 vẫn cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế”, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nêu.

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực. Nhìn lại, 4 tháng đầu năm lượng khách đều đạt trên 1,5 triệu lượt/tháng. Các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn và vượt mức năm 2019.

Lượng khách quốc tế tăng mùa thấp điểm là kết quả bước đầu từ việc nới rộng chính sách visa. “Chúng ta bắt đầu thực hiện chính sách visa mới từ ngày 15/8/2023, vì vậy có một số du khách chưa chuẩn bị cho chuyến đi năm 2023. Họ sẽ đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024. Có thể nói, đến nay, chính sách visa mới bắt đầu phát huy tác dụng. Việc này mang đến những tín hiệu vui cho thị trường châu Âu, Mỹ…”, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO Cty AZA Travel nêu.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách Trung Quốc đến từ việc thị trường này mở rộng chính sách trong việc gửi khách sang các thị trường quốc tế. Trước đó, vào năm 2023, Trung Quốc có chính sách khuyến khích người dân du lịch nội địa, không khuyến khích người dân du lịch nước ngoài.

Với con số 8,8 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tin rằng, ngành du lịch sớm đạt được mục tiêu. “Cùng với động lực từ chính sách thị thực thông thoáng, kỳ vọng trong nửa sau năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế”, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

Việt Nam có thể tính đến chuyện tăng mục tiêu đón khách quốc tế. “Năm nay chúng ta đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế. Tôi cho rằng, ngành du lịch có thể đặt mục tiêu cao hơn để phấn đấu. Thay vì là 17-18 triệu lượt khách, ngành du lịch có thể đón 19-20 triệu lượt khách trong năm 2024”, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất.

Nhờ đà tăng trưởng hiện tại, chính sách visa rộng mở, khách quốc tế sẽ tăng cao vào nửa cuối năm 2024. Các thị trường xa như châu Âu, Mỹ, Úc sẽ đến gửi lượng lớn khách vào mùa lạnh, bởi họ có kỳ nghỉ đông dài và có xu hướng du lịch để tránh rét. Trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nga, Hàn Quốc…

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ tại các thị trường quốc tế, ngành du lịch cần tiếp tục nghiên cứu nới rộng chính sách visa, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, sản phẩm kinh tế đêm.

Mùa cao điểm kém sôi động

Trái ngược với thị trường quốc tế tấp nập đón khách, thị trường nội địa còn vắng khách, một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng đợi khách, đếm khách. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thống kê, tháng 6/2024 có 14 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 9,3 triệu lượt khách lưu trú. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách nội địa đạt 66,5 triệu lượt.

Ông Trần Quốc Hùng (Mustgo - nền tảng đặt phòng với hơn 2.000 đối tác khách sạn trên toàn quốc) cho rằng, hầu hết điểm du lịch phụ thuộc vào vé máy bay có công suất phòng ở mức khá hoặc trung bình. Mùa hè cao điểm của các năm trước, Quy Nhơn và Nha Trang luôn là điểm ưu tiên hàng đầu đối với khách miền Bắc, nhưng công suất phòng hiện nay vẫn ở mức khá thấp.

Quy Nhơn ghi nhận công suất chung đạt trên 50% với khách sạn 4-5 sao. Các khách sạn phân khúc 3 sao có tỷ lệ lấp phòng trên 60% do lượng phòng ít hơn. Vào tháng 7, do một số khách sạn nhận đoàn lớn nên dừng nhận khách lẻ, nhưng số lượng phòng trống còn khá nhiều.

“Ở Nha Trang, công suất các khách sạn 4-5 sao sát mặt biển chuẩn địa phương và quốc tế đều đạt khoảng 50-60% trong tháng 6 và tháng 7. Tại Cam Ranh, một số resort 5 sao địa phương đạt công suất 70-90%, 5 sao quốc tế đạt khoảng 60%”, ông Trần Quốc Hùng nêu.

Khách miền Bắc chủ yếu chọn du lịch Sa Pa (Lào Cai), Quảng Ninh hay Quảng Bình. Tại Sa Pa, công suất cuối tuần phân khúc 3-5 sao đạt 60-70%, chủ yếu đặt giờ chót. Một số resort 5 sao ghi nhận công suất 100% vào dịp cuối tuần. Khách sạn 4-5 sao ở Quảng Ninh luôn đạt 80-90% công suất trong tháng 6, cuối tuần đều hết phòng. Trong tuần, công suất phòng đạt khoảng 30-50% tùy cơ sở.

“Công suất phòng khách sạn trên cả nước hứa hẹn tăng trong giai đoạn cao điểm tháng 7 nhưng sẽ không quá nổi bật. Hiện tại, khách hàng vẫn có xu hướng chờ vé rẻ, vé khuyến mại từ hãng bay nhưng số lượng vé này cũng hạn chế. Các điểm đến biển, thuận tiện di chuyển bằng đường bộ hứa hẹn vẫn là điểm nóng trong thời gian tới”, ông Trần Quốc Hùng nhận định.

Một số đại diện công ty lữ hành cho biết, lượng khách trong 6 tháng đầu năm đến các điểm trong nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 10-15%. Nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều biến động khiến nhiều gia đình quyết định cắt giảm kinh phí cho du lịch. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có xe cá nhân cũng chọn hình thức tự túc với các điểm đến gần và đi ngắn ngày.

Một số thị trường đạt mức hồi phục trên 300%

Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan là Top 10 thị trường gửi khách tại Việt Nam. Xét theo thị trường từ các châu lục, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế từ các khu vực đã cao vượt so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 119% so với cùng kỳ năm 2019, châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Âu gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 92%. Ở Nam Á, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 312% so với trước dịch. Các thị trường ở Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Lào, Philippines đạt mức phục hồi trên 100%, đặc biệt Campuchia đạt mức hồi phục trên 300%.

Gia Linh